CẤU TẠO, NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG MÁY PHOTOCOPY
1. Cấu tạo, chức năng các bộ phận chính.
1.1. Trống (Drum).
Trống là bộ phận chính của máy Photocopy làm nhiệm vụ chuyển đổi hình ảnh. Trống còn có tên gọi là trống từ, trống OPC (Organic Photo Conductor : quang dẫn hữu cơ). Trống được gọi là trống từ vì sử dụng từ tính trong quá trình tạo hình ảnh, gọi là trống OPC vì bề mặt trống có phủ lớp quang dẫn.
a). Cấu tạo của trống.
- Lõi trống : bằng kim loại phi từ tính (chủ yếu bằng nhôm)
hình trụ tròn, rỗng.
- Mặt trống : bề mặt trống được phủ lớp quang dẫn.
Chất quang dẫn là một hợp chất đặc biệt có hai tính chất.
- Nhiễm điện : dễ nhiệm điện tích âm và bảo lưu được điện tích trong bóng tối.
- Cảm quang : sẽ bị mất điện tính khi có ánh sáng chiếu vào, ánh sáng càng mạnh thì điện tích mất đi càng nhiều và ngược lại (tỉ lệ thuận với cường độ ánh sáng chiếu vào).
Dựa vào đặc điểm này của chất quang dẫn để chê tạo ra trống OPC. Trống OPC có ưu điểm là không sinh khí Ozon. Các loại trống của máy Photocopy đời cũ không dùng loại trống này nên trong quá trình sao chụp sẽ sinh ra khí Ozon, loại khí có ích cho môi trường trong việc ngăn chặn các tia cực tím bức xạ từ mặt trời có hại cho da con người, làm trái đất nóng lên (hiệu ứng nhà kính) nhưng khi con người tiếp xúc trực tiếp hay hít ngửi loại khí này lại rất có hại cho sức khoẻ.
b). Chú ý về trống.
Do đảm nhiệm vai trò chính trong quá trình sao chụp nên trống phải được bảo quản, bảo dưỡng tốt, chỉ bị một vết xước nhỏ trên bề mặt trống thì trên bản chụp sẽ có vệt đen tức thì.
Trong quá trình sao chụp, trống luôn cọ xát với các bộ phận khác nên lớp quang dẫn sẽ bị mòn đi. Khi lớp quang dẫn bị mòn quá nhiều thì phải thay trống (khoảng 150.000 - 200.000 bản chụp) tuỳ thuộc vào chế độ chụp và cách bảo quản.
Trên trống có một thanh gạt gọi là gạt mực, có nhiệm vụ gạt sạch mực và bột giấy còn sót lại sau khi chụp. Khi thay trống mới, ta cần phải thay luôn thanh gạt này để đảm bảo trống mới không bị xước do thanh gạt cũ.
1.2. Mực (Toner).
Mực là một loại chất làm nhiệm vụ thể hiện hình ảnh trên giấy mực. Mực của máy Photocopy ở dạng bột và có màu đen, thành phần chủ yếu là Cacbon (nguyên liệu có sẵn, dồi dào và có màu đen tự nhiên).
Mực có hai tính chất :
- Nhiễm điện : mực cũng có khả năng nhiễm điện tích dương khi được cọ sát với từ.
- Chảy dính : Khi gặp nhiệt độ cao (từ 160oC trở lên) mực sẽ bị nóng chảy. Khi bị nóng chảy, mực có độ kết dính cao và dính chặt vào giấy, tạo nên hình ảnh trên giấy.
Chú ý về mực
Do trực tiếp tạo nên bản chụp nên chất lượng của mực rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bản chụp. Mặt khác, trong quá trình sao chụp, mực tiếp xúc trực tiếp với một số bộ phận như lô sấy, lô ép và một số hạt mực có thể rơi vãi xuống trống. Vì vậy, độ mịn của mực và chất lượng của mực là rất quan trọng, cần phải quan tâm.
Hiện nay, trên thị trường có lưu hành nhiều loại mực giả với giá rẻ. Khi dùng loại mực này, các bộ phận của máy như trống từ, lô sấy, lô ép sẽ bị ảnh hưởng và giảm tuổi thọ nhanh chóng do mực không mịn và chảy dính không đều.
1.3. Bột từ (Developer).
Bột từ là những hạt sắt cực nhỏ có từ tính cao (bản chất là những hạt nam châm vĩnh cửu điện tính âm) làm nhiệm vụ mang mực đến sát trống. Sau khi đưa mực đến sát trống, do bề mặt trống nhiễm điện tích âm nên sẽ hút mực, đồng thời đẩy từ trở lại hộp từ để tiếp tục chuyển các hạt mực khác. Do vậy, bột từ tiêu hao không nhiều trong quá trình chụp mà chỉ bị giảm từ tính. Khi còn tốt, một hạt từ có thể mang được 2-3 hạt mực. Lượng mực cung cấp cho trống sẽ thay đổi tỷ lệ và gây cho bản chụp bị mờ hoặc bẩn, khi đó sẽ phải thay từ mới.
Chú ý về từ
Cũng như mực, từ hiện nay cũng bị làm giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất rất nhiều. Khi ta sử dụng hàng giả, hàng nhái, độ từ tính sẽ bị suy giảm rất nhanh và gây ra hai hiện tượng :
- Từ mang được ít mực nên bản chụp sẽ bị mờ.
- Từ không hút mực chặt nên các hạt mực rất dễ bị rơi vãi trên đường vận chuyển. Các hạt mực rơi vãi lung tung trong máy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ của các bộ phận và bản chụp bị lem nhem.
1.4. Lô sấy (Hot Roller).
Là một trục tròn, thường có màu đen bằng kim loại dẫn nhiệt tốt (thường làm bằng hợp kim nhôm) có nhiệm vụ sinh nhiệt để làm mực nóng chảy.
Lô sấy bao gồm : đèn nhiệt, thăm nhiệt, cầu chì nhiệt.
Đèn nhiệt sinh ra nhiệt để lô sấy toả nhiệt ra bề mặt lô sấy.
Thăm nhiệt có nhiệm vụ đo nhiệt để báo về bộ xử lí.
Cầu chì nhiệt có nhiệm vụ bảo vệ đèn nhiệt.
1.5. Lô ép (Presurre Roller).
Lô ép là một trục tròn bằng vật liệu đàn hồi (thường làm bằng cao su) có nhiệm vụ ép dính mực sau khi đã nóng chảy lên trên bề mặt giấy. Lô ép được đặt song song với lô sấy, tiếp xúc trực tiếp với bề mặt lô sấy. Trong quá trình chụp, hai lô này quay ngược chiều nhau. Do vậy, nếu một trong hai lô này bị phồng lên hay sứt mẻ thì lô còn lại cũng bị ảnh hưởng nếu không được khắc phục sớm.
1.6. Cao áp.
Cao áp là bộ phận có nhiệm vụ sinh ra từ trường lớn để hút các bộ phận khác hay làm cho các bộ phận khác nhiễm điện.
Các loại cao áp trong máy Photocopy là :
- Cao áp nạp : nạp đồng đều điện tích âm lên bề mặt trống.
- Cao áp hút : hút mực từ trống xuống bề mặt giấy.
- Cao áp tách : tách giấy ra khỏi bề mặt trống.
1.7. Các bộ phận khác.
Trong máy Photocopy còn có hàng loạt các bộ phận khác như Sensor, cò tách giấy, các bánh răng, hệ thống gương, đèn quét, cuộn hút ... đảm nhận các vai trò khác nhau trong quá trình hoạt động của máy.
2.1. Nạp điện tích (Drum Charge).
Trong bóng tối, bộ phận cao áp nạp nạp đồng đều điện tích âm lên bề mặt trống. Điện tích trên bề mặt trống được duy trì bởi lớp quang dẫn phủ trên bề mặt trống có khả năng lưu được điện tích cao trong bóng tối.
2.2. Lộ sáng (Expuse).
Hình ảnh của bản gốc được phản chiếu đến trống qua hệ thống gương và thấu kính. Điện tích đã được nạp trên bề mặt trống bị xoá tương ứng bởi cường độ mạnh của ánh sáng phản xạ, bằng cách này hình ảnh bản gốc được in trên bề mặt trống dạng âm bản (không quan sát bằng mắt thường được).
2.3. Xoá vùng (Eraser).
Ánh sáng từ đèn xoá vùng chiếu xuống vùng điện tích được nạp trên bề mặt trống mà không sử dụng cho hình ảnh copy. Điện tích của bề mặt trống trong vùng chiếu sáng sẽ bị giảm và lực hút tĩnh điện trong vùng đó bị tiêu tan. Đèn xóa vùng còn làm nhiệm vụ xóa trong các chức năng xóa gáy, xóa mép, xóa cỡ giấy.
2.4. Hiện ảnh (Developement).
Mực mang điện tích dương (điện tích dương được hình thành bởi sự ma sát giữa từ và mực) sẽ bị từ (mang điện tích âm) hút và đưa đến sát bề mặt trống. Vùng điện tích âm trên trống hút mực (do sự trái dấu của các điện tích) đồng thời đẩy từ quay trở lại (do sự cùng dấu của các điện tích) và do lực hút tĩnh điện của trống lớn hơn của từ. Hình ảnh bản gốc đã hiện rõ trên bề mặt trống có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
2.5. Hút ảnh (Image Transfer).
Giấy được cuốn đến sát bề mặt trống tương ứng vị trí của giấy và hình ảnh trên trống. Cao áp hút có điện thế âm sẽ hút mực từ trên trống rơi xuống bề mặt giấy do lực hút tĩnh điện của cao áp hút lớn hơn lực hút tĩnh điện của trống.
2.6. Tách giấy (Separate).
Cao áp tách (cao áp xoay chiều) ở dưới giấy vừa làm giảm điện tích trên tờ giấy vừa phá huỷ lực hút tĩnh điện giữa trống và giấy. Sau đó, phần đầu giấy được tách ra khỏi trống và được các cò tách giấy giúp tách giấy dễ dàng ra khỏi bề mặt trống.
2.7 Làm sạch (Cleaning).
Thanh gạt mực sẽ bóc mực còn sót lại trên bề mặt trống mà không được hút hết xuống giấy và gạt sạch mực vào hộp mực thải. Có một số Model, hộp chứa mực thải có bộ phận cơ khí guồng mực quay trở lại hộp cấp mực, hộp mực gần như được sử dụng 100% mà không bị lãng phí.
2.8. Xoá điện tích (Quenching).
Ánh sáng từ đèn xoá sẽ xoá trung hoà điện tích trên bề mặt trống, hoàn thành một chu kỳ chụp.
2.9. Định ảnh (Image Fix).
Lô sấy làm mực nóng chảy và lô ép sẽ ép mực dính chặt vào giấy.